Những người dân khốn khó, một nắng hai sương, dành dụm, vay mượn được ít tiền làm kinh phí chữa bệnh cho người thân. Ai ngờ bỗng chốc thành người tay trắng...
Nỗi đau chồng nỗi đau
Có lẽ chúng tôi và tất cả những người có mặt hôm ấy ở cổng Bệnh viện K khó có thể quên được hình ảnh người phụ nữ trẻ khóc đến khản cả tiếng bên đứa con nhỏ xanh xao, ốm yếu đang nằm thiếp trên tay mẹ. Chắp nối từ những tiếng khóc, tiếng nấc và câu nói rời rạc của chị, chúng tôi biết chị quê ở Hưng Yên. Bán hết lợn gà, thóc lúa, vay thêm ngân hàng và bà con chòm xóm, cầm cố cả sổ đỏ, với tình mẫu tử cùng chút hy vọng mỏng manh đã khiến người phụ nữ ấy quyết tâm đánh đổi nhà cửa ở quê để chữa bệnh cho con. Gom góp được gần 100 triệu đồng, chị tất tả đưa con nhập viện. Chồng chị vẫn đang ở quê ngược xuôi lo liệu việc đồng áng mùa vụ. Hai ngày nay, để bảo vệ số tiền cũng là nguồn hi vọng duy nhất còn có thể giữ được đứa con tội nghiệp bên mình, chị đã không dám rời cái túi vải nhỏ đựng tiền. Toàn bộ số tiền chị gói ghém cẩn thận trong tờ báo. Đi ngủ chị cũng móc quai chiếc túi vào tay một cách cẩn thận. Cả món tiền lớn như vậy, chị mới dám bỏ ra mấy chục nghìn mua thức ăn và sữa cho đứa con nhỏ ốm yếu. Vậy mà, trong mấy phút bất cẩn đứng ở hàng cơm bụi mua bữa trưa cho hai mẹ con, cái túi cũ kỹ đã bị rạch một đường rộng, kẻ gian đã móc đi toàn bộ số tiền để trong túi. Chẳng biết nghi ngờ ai, đứng cũng không vững, chị chỉ còn biết ngồi gục xuống bên con, đờ đẫn người và khóc thảm thiết. Tiền mất, nợ còn, nhưng tính mạng của con chị rồi sẽ ra sao khi không còn tiền để chữa căn bệnh hiểm nghèo của cháu...
Buổi chiều cuối tuần vừa rồi vào Bệnh viện Nhi trung ương thăm con người bạn, tôi gặp anh Phạm Xuân Thành, quê ở Nam Định - người vừa bị kẻ gian móc túi lấy mất gần 10 triệu đồng, số tiền gom góp để chữa bệnh cho đứa con 1 tuổi. Anh bần thần cả buổi sáng, lo lắng điện thoại ngược xuôi để xoay tiền. Cả đêm qua anh Thành không chợp mắt được một lần, đôi mắt trũng sâu, mái tóc phờ phạc. Thương gia cảnh hai bố con, những người xung quanh gom góp chút tiền giúp anh mua sữa và quần áo cho cháu bé. Nhưng, làm sao mà đủ số tiền để cháu chữa bệnh bây giờ. Dáng anh đi liêu xiêu trong cái se se lạnh cuối thu...
![]() Kẻ gian thường lợi dụng sự đông đúc để trộm cắp trong bệnh viện.
|
“Phương thuốc” nào hữu hiệu?
Bệnh viện Bạch Mai trong một buổi trưa đông đúc bệnh nhân, người ra, người vào chen lấn. Tôi cũng hoà vào dòng người tấp nập đông đúc ấy đưa mẹ từ quê lên khám bệnh. Chúng tôi có dịp ngồi cạnh hai vợ chồng bác Lôi Thị X. và Nguyễn Văn Q., trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Bác gái năm nay cũng đã ngoài năm mươi tuổi, bác trai thì ngoài sáu mươi tuổi, ốm yếu, phong phanh trong chiếc áo bộ đội bạc màu. Họ đều là thương binh hạng 4/4. Phát hiện căn bệnh viêm gan đã lâu, chữa thuốc nam thuốc bắc ở quê, bệnh không thuyên giảm, dành dụm được ít tiền, hai bác mới dám về Hà Nội chữa bệnh. Buổi trưa, tôi cùng đưa mẹ và hai bác đi ăn cơm bình dân ngay đối diện cổng Bệnh viện. Vừa ra đến cổng Bệnh viện, một thanh niên từ đâu lao đến, giật chiếc áo của bác Q từ phía sau. Bị bất ngờ, bác Q quay người lại thì bỗng nhiên, phía trước một người phụ nữ lao tới một tay úp chiếc nón vào ngực bác Q, một tay nhanh chóng móc toàn bộ số tiền và tài sản mang theo gồm có hơn 8 triệu đồng để trong ví và 2 chiếc nhẫn vàng.
Tuy nhiên, những ngón nghề trộm cắp của hai đối tượng Lê Văn Quý, 31 tuổi, trú tại Vũ Thư, Thái Bình và Đào Thị Tình, SN 1966, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng đã không qua mắt được lực lượng bảo vệ tại Bệnh viện Bạch Mai. Hai đối tượng đã nhanh chóng bị tóm gọn, toàn bộ tài sản cho vợ chồng bác Q được trả lại. Ai nấy cũng mừng cho hai bác, có người còn bức xúc mắng chửi bọn trộm cắp. Bác gái cho hay: "Đã đành trộm cắp chỗ đông người nhưng chẳng ngờ trộm còn "cắn" cả người "áo rách" như chúng tôi!". Trong bao nhiêu vụ trộm cắp tài sản diễn ra tại bệnh viện, liệu có mấy người may mắn được như vợ chồng bác Q?!
Hà Nội đã từng có những thời điểm phải "bó tay" với nạn trộm cắp hoành hành trong các bệnh viện. Đạo chích bệnh viện với đủ các ngón nghề hòng qua mắt người bệnh cùng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ. Các bệnh viện cũng đã tăng cường nhiều biện pháp như tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân có ý thức tự bảo vệ tài sản, dán tờ rơi nhắc nhở, thắt chặt công tác bảo vệ... để phòng ngừa trộm cắp. Nhưng, trước cửa ngoài khu vực các bệnh viện, tình trạng cò mồi dẫn dắt, thậm chí đe dọa những người bệnh ở tỉnh xa đến vẫn còn tồn tại ngang nhiên. Đã đến lúc các cơ quan chức năng như lực lượng công an trên địa bàn các bệnh viện cần vào cuộc quyết liệt nhằm tránh tình trạng những kẻ vô lương tâm hành nghề trộm cắp, sống trên nỗi đau bệnh tật, sự khốn khó của người khác. Tránh tình trạng khi có vụ việc thì vào cuộc quyết liệt, sau đó thì lại bình bình theo kiểu "đánh trống bỏ dùi".
Nguyễn Hương

- 05/09/2009 17:57 - Nỗi lo thực phẩm nhiễm độc
- 05/09/2009 17:55 - Làm gì để không bị stress?
- 26/08/2009 12:30 - Quản lý thực phẩm chức năng: Khó từ nhiều phía
- 21/08/2009 13:17 - Giết mổ heo bệnh, "giam giữ" cả thanh tra
- 19/07/2009 18:51 - Cảnh báo nguy cơ tai “mọc” nấm